Bạn có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt của kiến trúc các vùng hay các nước trên thế giới, ví
như: kiến trúc châu Âu vang danh thế giới với những công trình bằng đá đồ sộ với hình thái
chịu nhiều sự ảnh hưởng của tôn giáo hay các trường phái nghệ thuật; kiến trúc gỗ phương
Đông với sự ảnh hưởng của các quan niệm về phong thủy hay các quan niệm về mối quan hệ
"Thiên - Địa - Nhân"; hay kiến trúc Tây Á và châu Phi với những giải pháp đơn giản mà hiệu
quả để ứng phó với sự khắc nghiệt của khí hậu... Bản thân kiến trúc Việt Nam của chúng ta
cũng mang những đặc điểm rất khác biệt khi so sánh với kiến trúc thế giới. Và ngay cả trong
lãnh thổ Việt Nam, kiến trúc cũng có sự thay đổi ở từng vùng khác nhau: miền núi phía Bắc
nổi bật với kiến trúc đá hoặc đất để chống lạnh, nhà truyền thống ở đồng bằng thì được thảo
luận nhiều về kinh nghiệm trong bố cục và phương hướng, nhà lá mái miền trung là sự sáng tạo
về mái đắp đất cực kỳ độc đáo, hay nhà sàn miền nam thể hiện sự thích ứng rất tốt đối với
vấn đề lũ lụt hằng năm...
Thế mà đáng buồn thay, chúng ta đang sống trong một môi trường kiến trúc đồng nhất và thiếu
linh hồn. Đa số những công trình mà chúng ta nhìn thấy đều hao hao giống nhau, trong khi
chúng được xây dựng nên ở những nơi khác nhau với bối cảnh về tự nhiên, văn hóa, kỹ thuật
cũng rất khác nhau.
Chúng tôi hướng đến việc đưa kiến trúc về với đúng bản chất ở nơi nó được sinh ra. Chúng tôi
nỗ lực thích ứng với khí hậu địa phương, nghiên cứu văn hóa, kỹ thuật, vật liệu... của địa
phương để làm cho kiến trúc mang trên mình những đặc điểm phù hợp nhất.